Hồ Vạn Hội, tọa lạc tại thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân và nằm ngay đầu làng thôn 2 của xã Ân Sơn. Đứng trên thành hồ có thể ngắm nhìn toàn bộ bản làng của thôn 2. Hồ không chỉ là nguồn cung cấp nước quý giá cho nông nghiệp mà còn là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Với mặt nước trong xanh, soi bóng những dãy núi trùng điệp và bầu không khí trong lành, hồ Vạn Hội như một viên ngọc quý ẩn mình giữa vùng quê yên bình, là một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng. Khi hoàng hôn dần bao phủ Hồ Vạn Hội, những tia nắng cuối cùng trong ngày nhuộm đỏ cả một góc trời. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu lại bầu trời rực rỡ sắc cam, tím hồng. Những đám mây nhuộm màu hồng tím như những cánh hoa khổng lồ đang dần tàn phai, in bóng xuống mặt nước tạo nên những hình thù kỳ lạ. Một làn gió mát lạnh thổi qua, mang theo hương cỏ dại và hơi nước của hồ, xua tan đi cái nóng oi ả của ban ngày. Đứng tại nơi này, nhìn xa xăm về phía chân trời, lòng tràn đầy cảm xúc. Cảnh vật trước mắt thật đẹp, đẹp đến nao lòng. Mọi muộn phiền, lo toan dường như tan biến hết. Ánh nắng vàng nhạt dần nhường chỗ cho bóng đêm, nhưng vẻ đẹp của hồ vẫn không hề giảm sút. “Liệu có phải hồ đang giữ gìn những bí mật của đất trời, hay đơn giản chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của thiên nhiên”, phải đặt chân đến và tận mắt nhìn thấy mới cảm nhận hết được kiệt tác mà thiên nhiên bạn tặng.
Sau khi đắm mình trong khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp bên hồ Vạn Hội, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình khám phá văn hóa bản địa tại xã Ân Sơn. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống, cùng bà con đồng bào tham gia đêm hội cồng chiêng, đốt lửa trại, uống rượu cần và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Không khí trở nên se lạnh, báo hiệu một đêm hội đặc biệt sắp bắt đầu. Nghi thức mời thần lửa và xói rượu sẽ khởi đầu câu chuyện. Đống lửa được nhóm lên, ngọn lửa bập bùng nhảy múa, tỏa ra hơi ấm xua tan cái lạnh của màn đêm. Cồng chiêng có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời của người dân. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người miền núi, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên, hòa quyện với tiếng trống lôi cuốn, tạo nên một bản giao hưởng độc đáo. Bà con dân làng trong trang phục truyền thống rực rỡ, với những họa tiết tinh xảo, cùng nhau nhảy múa theo điệu nhạc. Những trò chơi lần lượt bắt đầu kết nối quý du khách và bà con lại gần nhau hơn. Và đặt biệt, chính là màn biểu diễn trang phục truyền thống của 13 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống chan hòa trên mảnh đất này. Người dân Ân Sơn luôn tự hào là một xã có dân cư ít nhất toàn tỉnh nhưng có nhiều dân tộc anh em sinh sống nhất. Ta có thể hiểu ngầm với nhau về câu chuyện “Đất lành chim đậu” ở mảnh đất này. Bên cạnh đống lửa, những mâm cơm được bày biện đơn sơ nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Các món ăn đặc sản của địa phương như thịt nướng, gà nướng, cơm lam, rau dớn … được bày biện trên những chiếc lá chuối xanh mướt làm cho món ăn dân dã hơn. Hương thơm tỏa ra khắp không gian, kích thích vị giác của mọi người. Cùng nhau thưởng thức ghè rượu cần, nhấp một ngụm rượu thơm nồng, mọi người như quên đi hết những muộn phiền của cuộc sống thường nhật, quên đi hết mọi buồn phiền trong cuộc sống. Đêm hội không chỉ là dịp để thưởng thức ẩm thực và âm nhạc, mà còn là dịp để mọi người giao lưu, kết nối. Khách du lịch có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương.
Trong đêm hội, những câu chuyện được kể, những bài hát được hát lên, tất cả đều mang đậm nét văn hóa truyền thống. Những điệu múa truyền thống được tái hiện, mang đến cho người xem những cảm xúc sâu lắng. Khi những ngọn lửa dần tàn, tiếng cồng chiêng cũng lắng dần. Tuy nhiên, dư âm của đêm hội vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người.